Ngoài buổi tiếp sinh viên định kỳ một năm một lần (9/9) thì đây là cơ hội hiếm hoi để sinh viên có thể chất vấn lãnh đạo nhà trường cũng như có cơ hội đưa ra các đề xuất, sáng kiến giúp xây dựng một môi trường học tập hiệu quả nhất. Tại buổi học và tác nghiệp này, các sinh viên báo in đã thực hiện phỏng vấn PGS.TS. Trương Ngọc Nam (Giám đốc học viện) mà không bị giới hạn bất cứ vấn đề nào. Giám đốc cũng trả lời thẳng thắn, không né tránh bất kì điều gì kể cả các vấn đề kinh tế, chính trị nhạy cảm. Đây là phần học mới của môn học Phương thức làm tin do cô Lương Phương Diệp và cô Nguyễn Thị Bích Yến giảng dạy. Ngay trong quá trình học, hai Giảng viên trẻ đã kết nối với lãnh đạo cao nhất của nhà trường để các em có cơ hội rèn luyện kỹ năng phỏng vấn lãnh đạo cấp cao cũng như chất vấn về nhiều quyền lợi sát sườn của mình.

PGS.TS Trương Ngọc Nam là vị khách mời đặc biệt trong giờ học của lớp Báo in K33

PGS.TS Trương Ngọc Nam là vị khách mời đặc biệt trong giờ học của lớp Báo in K33

Bạn Lưu Phương Huệ – sinh viên lớp Báo in K33 hào hứng chia sẻ: “Phương pháp dạy và học mới này theo tôi sẽ giúp cho sinh viên cảm thấy tự tin, năng động hơn, từ đó có thể phát huy được tối đa sự sáng tạo của mình. Phương pháp này cũng tạo ra môi trường gần gũi, dân chủ hơn giữa thầy và trò. Điều nầy còn giúp sinh viên mạnh dạn hơn khi tác nghiệp thực tế.”

Thích nghi và bắt nhịp với phương pháp dạy và học mới 

Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang từng bước tiếp nhận việc chuyển giao mô hình đào tạo tiên tiến từ các nước như Anh, Úc, Áo, Hàn Quốc, Nhật Bản… Điều này tạo ra luồng sinh khí mới cho các giảng viên nhưng lại tạo ra mối băn khoăn cho không ít các sinh viên bởi phương thức này chỉ tiếp nhận số lượng hạn chế người tham gia vì phải tuân thủ các quy chuẩn quốc tế.

Giống như nhiều bạn sinh viên khác, bạn Bùi Mỹ Nga băn khoăn: “Hiện nay nhà trường đã có các hình thức liên kết đào tạo với các trường quốc tế nhưng số sinh viên được tham gia hạn chế, vậy thưa thầy liệu chúng em có cơ hội nào để được hưởng mô hình học tập hiện đại đó không ?

Trả lời về vấn đề này, PGS. TS. Trương Ngọc Nam chia sẻ: “Trong thời gian tới, đội ngũ giảng viên sẽ được chuyển giao phương thức đào tạo tốt hơn, chất lượng hơn từ mô hình đào tạo của quốc tế. Một số trường Đại học trên thế giới sẽ tiến hành chuyển giao khoa học, mô hình giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế cho Học viện. Vì vậy, sinh viên sẽ được tiếp cận với mô hình đạo tạo hiện đại tương đương với các trường quốc tế (mà không cần phải đi du học – pv). Xu hướng của nhà trường là thu nhỏ quy mô đào tạo, với mục tiêu “chất lượng hơn số lượng”. Các em sẽ là những người đầu tiên được tiếp cận mô hình này.”

Mộ số sinh viên còn băn khoăn, rằng thời gian học tập trên lớp quá ngắn, theo thầy có nên mở thêm các khóa học đào tạo kĩ năng nghiệp vụ cho sinh viên hay không ?

Thầy Giám đốc Học viện khẳng định, thời gian tới, nhà trường sẽ rút ngắn thời gian học lý thuyết, tăng thời gian tự học, nghiên cứu và thực hành cho sinh viên. Và trong quá trình thực hành khi gặp vướng mắc các em đều có thể lật dở lại lý thuyết để soi chiếu vào thực tiễn.

Hiện nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng đang tiến tới thay đổi phương thức đào tạo từ niên chế sang đào tạo tín chỉ. Phương thức này sẽ giúp sinh viên chủ động hơn trong quá trình sắp xếp lịch học cho mình. Sinh viên được quyền lựa chọn giảng viên môn học giống như các mô hình đào tạo giáo dục ở các nước phát triển. Thầy Nam nhấn mạnh, vấn đề của sinh viên đại học là tự học và sáng tạo, thầy cô chỉ đóng vai trò hướng dẫn để sinh viên triển khai những ý tưởng của mình chứ không phải cách dạy dập khuôn ” đọc – chép”. Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ cố gắng tạo không gian học tập xanh, sạch, đẹp hơn cho sinh viên. Trường sẽ trồng thêm cây xanh, thảm cỏ, ghế đá… để sinh viên có thể chủ động học và nghiên cứu theo nhóm mà không phải phụ thuộc vào thư viện hay lớp học.

Sinh viên tự tạo cơ hội học bổng cho mình 

Tại buổi học, các sinh viên cũng đã đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề học bổng mà các cơ quan, tổ chức quốc tế đã dành cho nhà trường. Tuy nhiên số lượng học bổng thì ít mà sinh viên có nhu cầu thì nhiều. Thầy Trương Ngọc Nam đã đưa ra lời khuyên: “Hãy học giỏi ngoại ngữ, học giỏi các môn chuyên ngành, tận dụng tốt những cơ hội học tập khi có các chuyên gia quốc tế đến trường giảng dạy…”

Tham gia chia sẻ với sinh viên còn có PGS.TS. Đỗ Thu Hằng, Phó trưởng khoa Báo chí: “Sinh viên cần phải chủ động trong việc học tập và tác nghiệp, không nên quá thụ động nhất là đối với sinh viên báo chí. Các em nên bắt đầu từ những bài viết đơn giản và trải nghiệp thực tế mọi lúc, mọi nơi, tự tạo cơ hội để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân. Ngoài việc sinh hoạt trong các câu lạc bộ báo chí, sinh viên nên chủ động tạo dựng các mối quan hệ phục vụ cho công việc tác nghiệp của mình.”

Buổi phỏng vấn lãnh đạo cao nhất của nhà trường đã diễn ra trong vòng 1 giờ đồng hồ. Nhìn chung, hầu hết các băn khoăn của sinh viên đều được PGS.TS Trương Ngọc Nam giải đáp tận tình. Đây là một trong những phương thức học tập và tác nghiệp (tại chỗ) mới mẻ, tạo sự hào hứng cho sinh viên, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo có thể lắng nghe ý kiến của sinh viên một cách trực tiếp nhất để điều chỉnh phương thức quản lý của mình. Đây cũng là buổi học đặc biệt chưa từng có của nhà trường kể từ trước đến nay.

Nhóm sinh viên báo in K33A1,A2

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *