Buổi giao lưu được tổ chức nhằm kết nối các sinh viên, giảng viên trong khoa. Đồng thời, định hướng cho sinh viên Báo chí hướng đi trong quá trình học tập và rèn luyện và cũng là nơi để các sinh viên và cựu sinh viên báo chí bày tỏ tình cảm của mình đến các giảng viên trong khoa nhân ngày 20/11.

Buổi giao lưu của thầy và trò khoa Báo chí diễn ra trong không khí ấm cúng và thân tình. Các cựu sinh viên được gặp lại thầy cô giáo cũ, gửi lời chúc mừng đến các thầy cô. Những người sinh viên của khoa Báo chí năm xưa, nhiều người đã thành danh, nhiều người đã ở vị trí cao hơn cả giảng viên trong Khoa. Tuy nhiên, họ về lại trường cũ, về với khoa Báo chí trong tư cách là người học trò. Họ vẫn kiêng nể và có cái nhìn kính trọng với tư cách một người trò với các thầy cô giáo.

Tham gia buổi giao lưu trò chuyện có khách mời là đại diện cho cơ quan Báo chí lớn trong cả nước như: Nhà báo Vĩnh Quyên- Phó giám đốc kênh truyền hình Đài tiếng nói Việt Nam. Các nhà báo đại diện cho các cơ quan báo chí, đồng thời với tư cách là những anh chị đi trước đến chia sẻ với các em sinh viên trong Khoa như: Nguyễn Thế Hào – Phó tổng biên tập thời báo kinh tế Việt Nam- cựu sinh viên báo chí khóa 10; nhà báo Nguyễn Đức Tám – Trưởng phòng ảnh chính trị-ngoại giao, Thông tấn xã Việt Nam, phóng viên chuyên trách của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cựu sinh viên khoa Báo Chí; Nhà báo Văn Thành-cựu sinh viên báo chí K17. Họ luôn giữ một thái độ hòa nhã, thân tình khi chia sẻ với các sinh viên khóa dưới và sự kính trọng đối với thầy cô.

Nhà báo Nguyễn Đức Tám đại diện cho các cựu sinh viên gửi lời chúc mừng đến thầy cô trong khoa nhân ngày 20/11 và đùa vui khi nhắc: “Ngày xưa em suốt ngày bị cô Hằng (PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng- Phó chủ nhiệm khoa Báo chí) chửi mắng”.

Các sinh viên trong khoa nhân dịp này cũng đã dành một phần của buổi giao lưu cho các tiết mục âm nhạc nhằm gửi đến các thầy cô trong khoa lời chúc mừng ngày 20/11. Các ca khúc được thể hiện đều hướng tới ngày Nhà giáo Việt Nam, một số ca khúc đậm chất dân gian, truyền thống, gần gũi và độc đáo.

Báo chí là một loại hình truyền thông đại chúng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống mỗi con người. Báo chí ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong xã hội hiện đại. Đặc biệt là khi có sự hỗ trợ đắc lực từ các phương tiện kỹ thuật mới hiện đại. Điều đó đem đến cho sinh viên nhiều cơ hội việc làm và khẳng định bản thân. Tuy nhiên, nó cũng mang đến thách thức đòi hỏi các sinh viên phải có phương pháp học tập và phấn đấu nỗ lực hết mình để có thể đạt được thành công trong sự nghiệp làm báo, góp phần giúp cho báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trên mặt trận thông tin tư tưởng.

Với chủ đề “Sinh viên Báo chí- cơ hội và thách thức”, buổi giao lưu đã giúp cho các bạn sinh viên trong khoa hiểu và định hướng được con đường mà mình sẽ đi. Đúng như nhà báo Nguyễn Thế Hào đã nói, hiện nay có rất nhiều tờ báo, cả báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình đều rất phát triển; các công ty truyền thông mọc lên như nấm sau mưa; các công ty, các doanh nghiệp đều có phòng truyền thông. Vì vậy, cơ hội việc làm dành cho các bạn sinh viên Báo chí là rất nhiều.

Các nhà báo cũng chỉ ra những thách thức mà sinh viên chuyên ngành báo in gặp phải. Đó là sự sụt giảm về người đọc. Sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình báo chí khác đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của các tờ báo in. Điều đó đồng nghĩa với việc, cơ hội cho sinh viên làm đúng ngành nghề mình học là rất khó. Nhà báo Vĩnh Quyên cho rằng sự suy giảm của báo in sẽ khiến cho cơ hội việc làm của sinh viên ít đi và sự đòi hỏi thì cao hơn.

Các nhà báo tham gia giao lưu trong chương trình

Các nhà báo tham gia giao lưu trong chương trình

 

 Tuy nhiên, trưởng bộ môn Báo in, giảng viên Lê Thị Nhã động viên các sinh viên rằng: “Báo in là cội nguồn của báo chí và báo in có sự sâu sắc, đáng tin cậy mà các loại hình báo chí khác không có được. Cho nên báo in vẫn sẽ tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn nữa.

Nhà báo Nguyễn Đức Tám chia sẻ với các sinh viên rằng để có được thành công trong nghề báo, ngoài kiến thức chuyên ngành, sinh viên cần phải nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ thuật, cần tích hợp nhiều kỹ năng và trở thành một phóng viên, nhà báo đa năng. Ông cho biết: “Một phóng viên của Thông Tấn xã không chỉ có thể chụp ảnh mà còn phải quay phim, và phải biết viết tin, viết bài. Đây cũng là xu hướng chung của tất cả các tờ báo”.

Phó khoa Báo chí, Tiến Sỹ Hà Huy Phượng cho rằng, sinh viên để có thể thành công trong sự nghiệp báo chí thì cần hoàn thiện cho mình ba “RÀNH”: Rành kỹ thuật, rành nghiệp vụ báo chí và rành kiến thức chung.

Trong buổi giao lưu, các khách mời và các giảng viên trong khoa báo chí đã trả lời và giải thích cho các sinh viên báo chí những băn khoăn, thắc mắc. Đồng thời, đưa ra lời khuyên, lời động viên tiếp thêm cho các bạn sinh viên niềm tin yêu vào nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *