Những khởi đầu tốt đẹp
Đó là lần đi thực tế viết bài ở làng gốm Bát Tràng, tôi và bạn đi tìm câu trả lời: Tại sao làng gốm Bát Tràng vẫn còn sản xuất manh mún, sản phẩm xuất khẩu hạn chế?
Tìm gặp các nghệ nhân vì cho rằng sản phẩm của họ mới là cái làm nên thương hiệu Bát Tràng. Và sáng đó, sau khi len qua nhiều ngõ ngách cổ kính chúng tôi tới nhà Nghệ nhân Lương Minh Ngọc ( sinh năm 1972, Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội).
Câu chuyện diễn ra hết sức tốt đẹp, nhân vật phỏng vấn rất niềm nở và thân thiện. Chúng tôi đã thu được nhiều thông tin giá trị như: Mỗi nghệ nhân chuyên một loại sản phẩm, người chuyên lục bình, người chuyên tượng, người chuyên ấm chén… và ai cũng muốn giữ thương hiệu riêng nên không thể hợp chung thành một hãng lớn được . Hay vốn làm gốm, đặc biệt là các sản phẩm kích thước kỷ lục rất lớn nhưng sự hỗ trợ của địa phương là rất ít ỏi nên cũng rất khó khăn…
Xen vào các câu hỏi là những chuyện hỏi thăm gia đình, vườn cây cảnh của chú nên chúng tôi đã thân mật rất nhanh và những giãi bày về khó khăn của nghề, về tình yêu với gốm ngày càng sâu sắc, thú vị.
Nhưng 30 phút đầu thân mật đó đã chấm dứt sau một câu hỏi để đời.
Cái chau mày ám ảnh
Đó là khi đang bàn làm sao để bảo tồn làng nghề, chú Ngọc chia sẻ: Do thu nhập cũng bấp bênh nên bọn trẻ không mặn mà lắm, ít người muốn theo nghề. Vừa cười vừa rót chén trà chú nói tiếp: “Làm sao để bảo tồn và phát triển là câu hỏi khó, tự mình phải vượt qua bằng đam mê, bằng tình yêu với nắm đất thôi cháu ạ, chứ chờ ai được!”.
Trầm ngâm một giây, chú tiếp: “Vừa rồi bác Vũ Khiêu cũng có đến gặp chú, chú kể hết và bác cũng chỉ biết lắc đầu…Đấy, bác ấy còn như thế thì mình làm được gì”.
– Chú ơi bác Vũ Khiêu là ai ạ? – Chúng tôi hồn nhiên nhìn nhau rồi hỏi.
Bất ngờ chú Minh Ngọc chau mày ngước nhìn 2 đứa, phả ra một sự khó chịu và thất vọng. Rõ là thất thố, rõ là sai lầm chết người, ai đời lại cắt ngang dòng cảm xúc một cách ngớ ngẩn và tỉnh bơ như thế.
– Bác Vũ Khiêu là giáo sư Văn hóa học Việt Nam học cháu ạ, chắc cháu quên – chú nói khéo. Và chúng tôi chỉ biết vâng vâng rồi trao đổi tiếp.
Nhưng cái chau mày đó đã ám ảnh không chí toàn bộ câu chuyện tiếp sau, nhân vật trở nên lạnh nhạt đi nhiều. Thậm chí những trả lời sau đó còn cho tôi rất nhiều hoài nghi nhưng chỉ biết nghe mà không thể hỏi cho kín.
Độ mươi phút sau, khi cũng nắm được khá nhiều các nguyên cớ của vấn đề thì chú Minh Ngọc kết thúc bằng mấy câu hỏi: Hai cháu học trường nào, quê quán ở đâu, rồi động viên “làm báo thì hay nhưng cũng vất vả, nhưng gì thì gì có cái tâm thì sẽ đi đến đích” . Và cái bắt tay cuối cùng có phần chắc chắn, gửi gắm. Nhìn chiếc lục bình trước lúc bước ra mà tôi thấy mình còn rất nhiều thiếu sót. Tôi nghĩ “Hôm nay, tôi đã gặp một nghệ nhân”.
Nhiều ngày sau tôi vẫn còn dằn vặt vì tại sao một vị Giáo sư nổi tiếng như thế mình lại không biết, vì sao mình lại cắt ngang cái hứng chia sẻ đang tuôn trào của chú Ngọc một cách ngốc nghếch như vậy? Và lục lại, đúng là kiến thức về các chuyên gia, những người nổi tiếng, tiêu biểu cho một lĩnh vực tôi thiếu quá nhiều.
Chuyên gia và nhà báo
Chia sẻ chuyện này với nhiều bạn, thật ngạc nhiên là hiếm hoi cũng mới có bạn biết “Bác Vũ Khiêu là ai”. Thậm trí nhiều phóng viên tương lai còn cho rằng “Không biết thì hỏi, có sao đâu, làm sao mà lo được những chuyện mênh mông như thế”. Có bạn thì bảo “Tìm hiểu cho được các giáo sư, tiến sĩ của Việt Nam thì có đến cả đời cũng không xuể, kệ đi”
Vậy là sao? Phải tìm hiểu chứ, phóng viên cần kiến thức nền rộng mà một trong những cái cần, liên quan nhất chính là thông tin về các chuyên gia, những người đứng đầu một lĩnh vực. Những người ấy chính là nguốn tư liệu vô cùng giá trị đối với các bài viết. Hễ có chuyện xảy ra, chắc chắn tiếng nói của họ phải nằm trên mặt báo.
Đó cũng là lý do mà ngay sau đó tôi đã có cho mình một quyển sổ, ghi chép thông tin về những chuyên gia, và nó thực sự hữu ích mỗi khi tôi viết bài. Thiếu hiểu biết về các chuyên gia hẳn sẽ không bao giờ trở thành một nhà báo giỏi.