Nghề báo cũng như nghề văn – đó là nghề của câu chữ. Nói như nhà văn Nguyễn Tuân: “Nó là cái nghề dùng chữ nghĩa mà sinh sự để sự sinh”. Dù nhà báo có những ý tưởng độc đáo hay những sáng tạo trong việc phát hiện và tiếp cận vấn đề, nhưng nếu không sử dụng thành thạo câu chữ thì cũng không thể có bài báo hay được
Một câu hỏi được đặt ra với các nhà báo, đặc biệt với những nhà báo trẻ là, làm sao có được một vốn ngôn ngữ phong phú để có thể tái tạo hiện thực một cách thân thực, sống động, hấp dẫn? Dù là một bài báo nhỏ, anh cũng phải có năng lực sử dụng ngôn từ. Trên thực tế, việc phóng viên dụng công cho câu chữ là rất ít. Họ thường bị cuốn vào vòng quay của công việc, của những áp lực về thời gian. Đối với các tờ nhật báo cũng như các chương trình thời sự của đài phát thanh, truyền hình, phóng viên đi lấy tư liệu thực tế về, chỉ mong có đủ thời gian để viết cho kịp giờ lên khuôn, phát sóng. Viết thật nhanh, thật hối hả, nhiều khi không kịp đọc lại bản thảo đã nộp bài. Viết như vậy làm sao có thể huy động hết mọi ngôn từ hay, làm sao chăm chút cho từng câu từng chữ? Và cứ thế, nếu không có sự đòi hỏi nghiêm khắc nào của những người duyệt bài vở thì ngòi bút của phóng viên sẽ dần dần đi vào lối mòn, sẽ cùn đi, sẽ cạn đi lúc nào không biết.
Tôi còn nhớ một câu chuyện thế này: Nhà văn A. France (Pháp) chuyên viết truyện dài. Nhà xuất bản Calmann – Levy chuyên xuất bản sách của A. France đề nghị ông viết truyện ngắn cho lạ. Ông nói: “Tôi làm gì có thời gian để viết truyện ngắn?”. Còn nhà văn Gô Gôn thì viết truyện ngắn “Áo choàng” mất bảy năm. Nói như vậy để thấy rằng, ngôn ngữ trong một tác phẩm không phải là sự ghép âm, ghép vần một cách cơ học, mà là sự chứa đựng vấn đề, chi tiết, tư tưởng, chứa đựng ý chí và tình cảm của người viết. Tất cả những nhà văn, nhà báo lớn, kể cả những người được coi là “thiên tài” đều lao tâm khổ tứ về chữ nghĩa, để đem đến cho công chúng những tác phẩm mang tầm vóc thời đại. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với việc rèn luyện câu chữ của nhà báo hiện nay.
Nhà báo không còn cách nào khác để rèn luyện ngòi bút của mình ngoài sự tự học tập – học từ mới, học từ hay, học cách sử dụng từ. Từ ngữ có ở đâu? Ở rất gần bạn, trong chính cuộc sống hàng ngày của bạn: trong nhà, ngoài đường, trong trường học, các mối quan hệ bạn bè… Hàng ngày, chúng ta đang được tiếp xúc với một thế giới ngôn ngữ vô cùng phong phú, đa dạng, hãy cố gắng ghi nhớ và lựa chọn. Tôi còn nhớ, một hôm cô bé hàng xóm hơn hai tuổi, sang nhà tôi chơi. Bé thơ thẩn chơi trên hè và đột nhiên thốt lên mừng rỡ: “A, đi lang thang bắt được cái ghế”. Cả nhà quay lại nhìn. Mẹ tôi bảo: “Đấy, các con thấy không, bé đã biết học theo người lớn, nói được từ “lang thang” rất hay. Muốn nói hay, các con phải nghe người khác nói mà học tập”.
Một em bé đã nghe người lớn nói rồi nhập tâm và nói theo. Phóng viên trẻ cũng hãy tập học từ và cách sử dụng từ như một em bé mới tập nghe, tập nói. Học cách nói dân gian, học trong ca dao, tục ngữ. Nếu bạn học được một câu tục ngữ, ca dao, một làn điệu dân ca, bạn sẽ có cơ hội sử dụng chúng ít nhất một lần. Học được mười câu, hai mươi câu, cơ hội sử dụng sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba. Biết đâu, bất chợt một lúc nào đó, trong những khi khó tìm từ ngữ để đặt tít cho bài báo chuẩn bị viết, đang viết, bạn nhớ ra một câu ca dao, tục ngữ, và, bạn thốt lên sung sướng: “Đây sẽ là tít cho bài viết này”! Với thể loại phóng sự, bài phản ánh hay ghi nhanh, việc vận dụng tục ngữ, ca dao làm đầu đề, tít phụ, hay thậm chí dùng trong nội dung bài viết, sẽ phát huy được tác dụng rất lớn. Nó có thể làm cho câu văn trở nên mượt mà, gẫn gũi, dễ hiểu đối với người nghe, người đọc. Hơn thế, một khi bạn đã chọn được “cái tít” hay, diễn đạt được đúng ý tưởng của bài báo, của đoạn viết, thì tâm trạng bạn sẽ trở nên thoải mái, và rất có thể, câu chữ sẽ ùa vào ngòi bút của bạn như ngọn gió vậy!
Học cách chơi chữ, đối chữ, các biện pháp tu từ trong dân gian, trong văn học cũng là cách để nhà báo có được những từ ngữ đắc địa. Đây chính là những thủ pháp để tạo ra sắc thái riêng của ngôn ngữ, tạo sự bất ngờ cho người đọc, đồng thời, phát huy được cá tính sáng tạo của nhà báo. Có thể chỉ ra đây một số tít bài khá độc đáo như:“Rẽ đêm mà tới”, “Ra biển…phá rừng”, “Giã từ “ngôi báu” rừng xanh”, “Men buồn làng rượu cổ”, “Canh bạc với giời”, “Đất gọi”, ‘’Sóng ngầm trong làng đồng tính”, “Đoan Hùng- “ăn đong” nước”, “Làm thịt sông Lèn”, “Sầu riêng đã hoá sầu chung”, “Hoà An mà không hoà, không an”, “Tốt nghiệp nhưng không tốt nghề”, “Sông Tô mà chẳng Lịch” … (tư liệu lấy ở báo Lao Động, Sài Gòn giải phóng, Thanh Niên).
Một khi đã học được cách chơi chữ, đối chữ, thuộc những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, nhà báo có thể tung hứng câu chữ, sử dụng câu chữ một cách linh hoạt để tạo ấn tượng cho người đọc. Có những từ khi đứng một mình thì chẳng có gì lạ, chẳng có gì hay, nhưng nếu được ghép với nhau thì lại tạo ra một hiệu quả bất ngờ. Ví dụ hai từ: “ra biển” và “phá rừng”, ghép lại với nhau thành tít báo “Ra biển… phá rừng” (Bảo Chân, báo Lao Động, số 134/2001). Cùng với dấu ba chấm, tít báo khiến cho người đọc thực sự ấn tượng và có đôi chút tò mò: tại sao lại ra biển để phá rừng? Và vậy là bắt buộc họ phải đọc, không đọc từng từ, từng câu, thì cũng đọc lướt qua để xem bài báo nói gì. Tương tự như vậy, “Vị ngọt của muối”, “Ngọt đắng chuyện mía đường” (Nhóm phóng viên Miền Trung, báo Lao Động ) là những tít báo dùng cách đối nghĩa giàu tính hình tượng, lôi kéo người đọc vào nội dung bài viết. Hay các tít của một số bài phóng sự: “Làm thịt sông Lèn” (Giao Hưởng, Anh Tuấn, báo Lao Động, số 157/2002), “Sầu riêng đã hoá sầu chung” (Phùng Bắc, báo Lao Động, số 140/2001), “Làng thổ cẩm di cư” (Sài Gòn Giải phóng, số 8475/2001); “Ăn cá nóc, khóc cả làng” (Trần Đăng, báo Lao Động, số 105/2001)… cho chúng ta hiểu rằng, các tác giả đã rất dụng công trong việc lựa chọn ngôn từ để những từ ngữ đó không chỉ phù hợp với bài viết, mà còn thu hút sự quan tâm của người đọc ngay từ đầu.
Để có vốn ngôn phong phú, mỗi phóng viên còn cần phải đọc sách nhiều, không chỉ đọc văn thơ, còn phải đọc cả sử, địa… để làm sao, “đụng” đến lĩnh vực nào là chúng ta có ngay vốn từ về lĩnh vực đó để viết. Những nhà báo theo dõi các lĩnh vực chuyên môn như kinh tế, giáo giục, y tế, luật pháp, nếu không phải tốt nghiệp các trường kinh tế, y tế, trường luật…, còn phải tự trang bị cho mình ngôn ngữ của những chuyên ngành này để hiểu, để vận dụng viết báo. Sách chính là sự kết tinh tinh hoa ngôn ngữ của nhân loại. Đọc được một cuốn sách hay là chúng ta đã tự làm phong phú thêm vốn ngôn từ cho mình. Hẳn rất nhiều người trong chúng ta biết đến nhà báo Bernard Pivot đã được phong là “Vua đọc” của nước Pháp. Người ta ước tính trong 15 năm, ông đọc gần 5000 cuốn sách. Có thời kỳ ông đọc đến 15 tiếng một ngày. Ông đọc sách không phải chỉ để giải trí hay thoả mãn lòng ham hiểu biết, mà là đọc để nhận xét, phê bình, thẩm định, đọc để mà “lấy ngôn từ” cho các chương trình truyền hình mà ông thực hiện. Trên thực tế, các nhà báo của chúng ta không có nhiều thời gian để đọc sách. Nhưng nếu ý thức được tầm quan trọng của sách với việc nâng cao tri thức và vốn ngôn ngữ, thì hẳn chẳng có nhà báo nào ngần ngại tận dụng mọi khoảng thời gian rỗi để đọc chúng.
Không phải chỉ đọc sách mà còn phải đọc bài của đồng nghiệp, nghĩa là đọc báo. Khi đọc một bài báo, bạn hãy dừng lại để suy ngẫm xem, tại sao bài báo này viết không hay? Phải chăng, bởi trong toàn bộ nội dung bài báo không có những ý tưởng mới lạ, từ ngữ không chính xác, không đơn giản dễ hiểu hay không có những từ ngữ mang giá trị biểu cảm? Đôi khi, chỉ một vết gợn nhỏ trong việc dùng từ cũng làm hỏng cả một bài báo. Ví dụ: tác giả Lưu Quang Định trong phóng sự “Hai cha con cùng đi thi” (báo Lao động số 136 ngày 10/7/2000) viết: “Nước sinh hoạt rất ít. Chỉ đủ sinh hoạt chứ không đủ tắm”. Tác giả sử dụng câu tỉnh lược, nhưng dùng từ không chính xác: nước sinh hoạt gồm nước để ăn uống, tắm giặt, nhưng ở đây, tác giả đã tách nước sinh hoạt với nước tắm thành hai loại nước khác nhau khiến người đọc không hiểu tác giả định nói điều gì! Những nhà ngôn ngữ học gọi cách dùng từ này là sai về quan hệ quy chiếu. Hay như trong bài “Đất gọi”, (báo Lao Động số 186/ 2002), tác giả Nhật Trang, viết: “… Những cố gắng này cũng chỉ làm cho (tỉnh) Nam Định trở nên một trung nông khá giả”. “Trở nên giàu có’’, hoặc “trở nên khá giả” chứ không thể nói: “trở nên một trung nông”, động từ “trở nên” chỉ có thể đi liền sau nó một tính từ chứ không phải là một danh từ, đấy là chưa muốn nói tới việc thuật ngữ “trung nông” chỉ để dành riêng cho thành phần gia đình chứ không thể dùng cho một tỉnh. Trong bài “ Một cách làm nghiêm túc” của Hồng Hạnh (báo Hà Nội mới, số ra ngày 30/3/2006) có đoạn viết: “Hơn 90% học sinh tốt nghiệp THPT hy vọng đặt chân vào cánh cổng trường Đại học, Cao đẳng…”. Thực ra, nếu dùng từ cho đúng thì tác giả có thể viết: “đặt chân vào giảng đường Đại học” hay “bước chân vào cửa trường Đại học”, chứ viết “hy vọng đặt chân lên cánh cổng trường” thì đúng là một cách viết tuỳ tiện, cẩu thả. Khi gặp những bài báo này, bạn cần phải xem xét những lỗi dùng từ của đồng nghiệp một cách nghiêm túc, từ đó tự rút ra bài học cho bản thân mình.
Ngược lại, khi gặp những bài viết có chất lượng tốt, bạn lại nên đặt câu hỏi: tại sao bài báo hấp dẫn mình? Nó hấp dẫn vì bản thân sự kiện, vì cách tác giả lựa chọn chi tiết, hay vì sự độc đáo của ngôn từ, vì những cách diễn đạt mới mẻ, giàu hình ảnh…? Thực ra, ý tưởng nhiều khi không mới, người này, người nọ, trên báo này, báo nọ cũng đã viết rồi, nhưng bằng cách diễn đạt mới và những ngôn từ “đắt”, nhà báo có thể thổi sức sống vào đó. Bạn hãy cố gắng động não để ghi nhớ những ngôn từ mà tác giả đã sử dụng, xem với ý này, với chi tiết kia, tác giả dùng từ nào để diễn đạt? Hãy ghi ngay từ đó, câu đó, đoạn văn đó vào sổ tay của bạn. Vì cũng giống như sổ tay ghi thông tin tư liệu cho một bài báo, bạn cần phải có một cuốn sổ tay để ghi những câu văn hay, những tít báo độc đáo, những ngôn từ vừa mới chợt loé lên trong tâm trí bạn, mà rất có thể, sau phút giây bất chợt ấy, nếu không ghi chép lại cẩn thận thì bạn sẽ quên mất.
Một lần, tôi gọi điện cho một người bạn để hỏi xem số báo mới ra có đăng bài của tôi hay không. Người bạn trả lời: “Ôi giời, đến bài của tôi được đăng mà tôi còn chẳng biết nữa là… Thôi được rồi, để tôi xem hộ cho”. Rất nhiều phóng viên, đặc biệt là phóng viên trẻ, họ viết xong bài, bài báo được đăng là coi như họ đã hoàn thành nhiệm vụ, chẳng đọc lại, không xem chỗ nào chưa hay, chưa chuẩn. Thái độ đối với chính đứa con tinh thần của mình như thế thì làm sao anh ta có thể trân trọng được bài vở của đồng nghiệp? Tôi nhớ ngày tôi còn là một sinh viên thực tập tại Ban Thời sự, Đài Tiếng nói Việt Nam, phóng viên Sông Thao được cử đi viết bài về thầy thuốc –Anh hùng lao động Nguyễn Tài Thu (Viện Châm cứu Trung ương). Viết chân dung không khó, nhưng viết thế nào cho hay là điều không phải nhà báo nào cũng làm được. Nhất là khi đề tài về Bác sĩ Nguyễn Tài Thu đã được báo chí nói đến rất nhiều. Vậy mà nhà báo Sông Thao đã viết rất thành công. Trong buổi giao ban sáng hôm sau, bài viết của anh được Ban biên tập khen, được phát lại. Tôi thấy nhà báo Tạ Toàn, lúc đó là Phó trưởng phòng Chương trình, Ban Thời sự, lại gần nhà báo Sông Thao và nói: “Cậu cho mình xin một bản phô tô nhé”. Xin bản phô tô để đọc lại, để học tập cách viết của đồng nghiệp, hay cũng chính là học tập phong cách dùng từ của đồng nghiệp… Thái độ của nhà báo nọ khiến tôi trân trọng. Nhà báo, bất kể ai, trẻ hay già, có chức vụ hay không, đều cần phải có thái độ cầu thị như thế. Muốn viết hay, viết giỏi, phải chịu khó học cách viết của ngay chính đồng nghiệp mình.
Học ngoại ngữ cũng là một cách để nhà báo nâng cao vốn ngôn từ của mình. Bởi vì, học ngoại ngữ của bất kỳ quốc gia nào cũng chính là học văn hoá của dân tộc đó. Giỏi ngoại ngữ, bạn có thể đọc sách báo nước ngoài, tìm “vốn liếng” cho bài viết của mình, học cách viết báo của nước họ. Hơn nữa, học ngoại ngữ là cách để bạn đối chiếu, so sánh với tiếng Việt, để thấy ngôn ngữ tiếng Việt cũng giàu có, phong phú không kém ngôn ngữ của bất kỳ dân tộc nào. Từ đó, nhà báo sẽ có thái độ trân trọng tiếng Việt hơn.
Nhưng chỉ khi bạn học thật giỏi một ngoại ngữ nào đó, bạn mới có thể áp dụng nó vào công việc viết lách. Tuyệt đối tránh tình trạng như hiện nay, một số người dùng tiếng nước ngoài mà không hiểu tiếng nước ngoài, dùng như “trưởng giả học làm sang”, không những không nâng được giá trị của bài viết, mà trái lại, còn khiến người đọc khó hiểu, khó chịu. Những thư góp ý của độc giả trên rất nhiều báo hiện nay về thực trạng nhà báo sử dụng từ Hán Việt, từ tiếng Anh, tiếng Pháp bừa bãi là một minh chứng cho điều đó.
Báo chí không chỉ có tính khuôn mẫu, mà còn mang giá trị biểu cảm. Tính khuôn mẫu thì viết lâu thành quen, nhưng tính biểu cảm thì không thế. Tính biểu cảm làm nên cái hay, làm nên sự độc đáo của bài viết, yêu cầu nhà báo phải sáng tạo câu chữ không ngừng. Nếu anh chỉ rập khuôn trong một vốn ngôn ngữ nhất định, nếu “kho” ngôn ngữ của anh không được thường xuyên bổ sung, thì sẽ rất khó để nhà báo có thể tung hoành bằng chính ngòi bút của mình. Nhà báo vượt qua được sự đơn điệu, mòn cũ, xơ cứng của ngôn ngữ, cũng có nghĩa là phải vượt lên chính bản thân mình.