Khái niệm “truyền thông quốc tế” bao hàm trong nó những thuật ngữ gần gũi dùng để chỉ một số nhiệm vụ hoặc hoạt động cụ thể như “thông tin đối ngoại” hay “báo chí đối ngoại”. Vì vậy, về thuật ngữ khoa học, các thuật ngữ “quan hệ quốc tế”, “thông tin đối ngoại”, “quan hệ quốc tế trong lĩnh vực báo chí, truyền thông” hay “báo chí đối ngoại” là những khái niệm gần gũi nhưng có nghĩa hẹp hơn so với khái niệm “truyền thông quốc tế” dùng để chỉ một hoạt động có tính định hướng của một quốc gia.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ của truyền thông quốc tế, lực lượng truyền thông, báo chí, thông tin đối ngoại cần phải được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra cả về chất lượng và số lượng. Theo báo cáo của Bộ Thông tin truyền thông, tại Hội nghị toàn quốc về Thông tin đối ngoại do Ban Tuyên Giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội tháng 04.2013 thì: “Lực lượng cán bộ chuyên trách công tác thông tin đối ngoại còn ít, trình độ chuyên môn nghiệp vụ về thông tin đối ngoại cũng như trình độ ngoại ngữ còn hạn chế”.

Việc kiện toàn tổ chức và nhu cầu về cán bộ có chuyên môn về truyền thông quốc tế vững vàng là nhu cầu tất yếu trong việc thực hiện các nhiệm vụ đặt ra. Mỗi năm ngành truyền thông quốc tế và báo chí đối ngoại cần một lực lượng lớn những người có hiểu biết chuyên môn và năng lực làm nhiệm vụ về truyền thông quốc tế. Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, bài viết này đề cập vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho truyền thông quốc tế ở Việt Nam, những thách thức mới cho các cơ sở đào tạo trong nước.

1. Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực cho truyền thông quốc tế hiện nay

Khảo sát thực tế ở một số cơ sở đào tạo bậc đại học ở nước ta trong những năm vừa qua và quá trình phân tích thực trạng nguồn nhân lực cho lĩnh vực truyền thông quốc tế, xin nêu mấy điểm nổi bật trong thực trạng đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực này như sau:

Một là, chưa có hệ thống chuẩn thống nhất cho các điều kiện cần và đủ của quá trình đào tạo chính quy. Ở Việt Nam hiện đang có khá nhiều cơ sở đào tạo có thể cung cấp nguồn nhân lực cho truyền thông quốc tế nhưng lại không theo tiêu chuẩn nào. Ban đầu, đó là hệ thống các trường đào tạo chuyên về ngoại ngữ. Hầu hết các cơ quan sử dụng nhân lực lấy tiêu chí ngoại ngữ để tuyển chọn nhân sự. Ngoại ngữ được coi như công cụ đồng thời cũng là chuyên môn.

Các trường khác như: Học viên Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Ngoại giao, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn… đã và đang đào tạo chuyên ngành quốc tế, chuyên ngành truyền thông, chuyên ngành thông tin đối ngoại. Nghĩa là kết hợp giữa ngoại ngữ với nghiệp vụ quốc tế, nghiệp vụ truyền thông, báo chí. Nguồn nhân lực thực sự có đủ hai yếu tố: ngoại ngữ chuyên ngành và truyền thông báo chí thì mới chỉ đáp ứng chưa nhiều. Hầu hết các đơn vị sử dụng lao động đều phải đào tạo lại để bổ sung kiến thức và kỹ năng cho yêu cầu công việc chuyên môn là truyền thông quốc tế.

Ngay trong quá trình đào tạo, thực trạng hiện nay cũng đang đặt ra nhiều bất cập. Đó là: mỗi nơi đào tạo một kiểu chương trình khác nhau, những môn học cũng chưa có sự thống nhất về yêu cầu của nội dung và phương pháp. Điều này dẫn đến sự không đồng đều về mặt bằng trình độ của người được đào tạo.

Hai lý do trên đây khiến việc sử dụng lực lượng cán bộ làm nhiệm vụ truyền thông quốc tế và thông tin đối ngoại thuộc các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức ngoại giao nhân dân… chủ yếu từ các nguồn khác nhau. Nhiều người chưa qua đào tạo chuyên ngành, nhiều người được luân chuyển từ các cơ sở đào tạo về ngoại ngữ, báo chí hoặc các ngành khác ít liên quan đến truyền thông quốc tế hay thông tin đối ngoại.

Hai là, đào tạo nhân lực báo chí đối ngoại ở nước ta hiện nay là nền tảng quan trọng cho truyền thông quốc tế. Từ năm 2005, Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong những cơ sở đào tạo có trọng trách cung cấp cho đất nước nguồn nhân lực có thể đáp ứng những yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra. Trước hết, sinh viên chuyên ngành thông tin đối ngoại được trang bị kiến thức báo chí, truyền thông và quan hệ quốc tế. Bên cạnh đó, sinh viên được rèn luyện để vững vàng về bản lĩnh chính trị, có nhận thức và quan điểm đúng đắn trong các vấn đề quan hệ quốc tế hiện nay. Nội dung đào tạo quan trọng thứ hai là việc trang bị vốn ngoại ngữ chuyên ngành có thế đáp ứng yêu cầu của người làm công tác đối ngoại. Sinh viên có thể sử dụng tốt ngoại ngữ tiếng Anh. Thứ ba là nội dung đào tạo nghiệp vụ quan trọng về kiến thức và kỹ năng về báo chí, truyền thông.

Trong các yếu tố trên đây, việc trang bị những kiến thức và kỹ năng báo chí đối ngoại cho sinh viên là một trong những mục tiêu trọng tâm. Cả ba thành phần trong nội dung đào tạo nêu trên được thiết lập và thực hiện thành công là bởi việc xây dựng chiến lược đào tạo trên cơ sở tiêu chuẩn của một cán bộ làm công tác truyền thông quốc tế, cũng như làm thông tin đối ngoại, báo chí đối ngoại. Ba thành phần đó thể hiện tập trung ở một số điểm chủ yếu sau đây:

1. Yêu cầu kiến thức cần và đủ: Một cử nhân báo chí ngành truyền thông quốc tế và thông tin đối ngoại cần được trang bị những hiểu biết cơ bản về báo chí Việt Nam và quốc tế. Đó là: có cái nhìn lịch sử đúng đắn về những vấn đề báo chí Việt Nam và thế giới. Xuất phát từ những nhận thức chính trị cơ bản, cần biết phân biệt những quan niệm, quan điểm về lịch sử báo chí để có được cách tiếp cận báo chí hiện đại một cách đúng đắn nhất. Thông qua đó, bộc lộ thái độ chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và khă năng ứng phó trước những biến cố của đời sống chính trị báo chí trong nước và trên thế giới.

2. Những kỹ năng nghề nghiệp về báo chí cần chuyên sâu: Đặc thù của báo chí đối ngoại là tính quốc tế hóa cao, vì vậy, trong kỹ năng nghề nghiệp, sinh viên chuyên ngành cần phải có được cách tiếp cận tương xứng với tầm của báo chí quốc tế. Đó là việc sử dụng những thiết bị kỹ thuật sẵn có, bắt nhịp với cách thức làm báo hiện đại trong những môi trường hiện đại, tiếp cận các nguồn thông tin mở của kho tri thức thế giới bằng những ngôn ngữ khác nhau.

Ba là, còn những yếu tố bất cập trong thực tiễn đào tạo của ngành truyền thông quốc tế. Đó là chương trình đào tạo hiện nay mặc dù đã được điều chỉnh nhưng vẫn chưa thực sự chú trọng nhiều đến việc đào tạo kỹ năng báo chí, đặc biệt là ứng dụng trong báo chí đối ngoại. Các môn học vẫn nghiêng về lý luận và lý thuyết mà ít dành thời gian cho thực hành. Thời lượng các môn chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Một số môn rèn luyện kỹ năng báo chí được đưa vào chương trình hoặc đi sâu vào kỹ năng sáng tạo tác phẩm thuộc các loại hình báo chí… thì thời lượng lại quá ít. Sinh viên chuyên ngành quan hệ quốc tế tập trung các môn chuyên ngành ngoại giao đã buộc phải giảm bớt các môn về kiến thức và kỹ năng báo chí, chỉ còn các môn lý luận báo chí. Bên cạnh đó, các trang thiết bị cho việc đào tạo chuyên ngành hầu như không có, sinh viên chủ yếu học chay. Đội ngũ giảng viên về báo chí còn mỏng, cần tăng cường các giảng viên có kinh nghiệm trong thực tiễn về báo chí và truyền thông quốc tế để có thể vừa giảng dạy lý thuyết, vừa chia sẻ những kinh nghiệm thực tế.

2. Một số vấn đề đặt ra cho việc đào tạo ngành truyền thông quốc tế

Trước hết, đó là khâu tuyển chọn đầu vào cho chuyên ngành đặc thù. Trước đây để tuyển chọn sinh viên cho chuyên ngành báo chí, người ta có môn thi năng khiếu báo chí để phát hiện những học sinh có khả năng văn chương và nhạy bén về chính trị xã hội. Các môn thi tuyển đều là khối C của kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (gồm ba môn: Văn, Sử, Địa). Nay, trong xu thế báo chí phát triển đa dạng và phong phú về các hình thức đòi hỏi nhiều khả năng chuyên môn thì việc tuyển từ một kỳ thi chung chỉ là các điều kiện cần. Tuy nhiên, việc tập trung vào đối tượng có năng khiếu và khả năng ngoại ngữ là cần thiết. Vì thế tiêu chí đầu tiên là cần tăng cường tuyển chọn sinh viên khối D (gồm ba môn: Toán, Văn và Ngoại ngữ). Khối D là khối thi có nền tảng ngoại ngữ tốt hơn các khối khác, có thể giảm số lượng khối C.

Nguồn đào tạo lại cũng cần được chú trọng hơn: Có thể tuyển chọn các cán bộ có ngoại ngữ, có kinh nghiệm trong hoạt động ngoại giao để đào tạo phần truyền thông báo chí hoặc ngược lại. Để làm sao có thể có được đội ngũ nhân lực “3 trong 1” như đã nêu ở phần trên.

Về trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc đào tạo: Các cơ sở đào tạo cần được trang bị các thiết bị cần thiết như một khoa đào tạo chuyên ngành báo chí truyền thông. Ví dụ: Máy ảnh, máy quay phim, thiết bị trường quay, thiết bị mạng Internet… Hoặc cần có kế hoạch phối hợp để có thể sử dụng các trang thiết bị của cơ quan báo chí, truyền thông trong việc đào tạo thực tập, thực hành.

Về đội ngũ giảng viên: Bổ sung đội ngũ giảng viên báo chí, nhất là các giảng viên vừa có kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động ngoại giao,vừa có thực tiễn báo chí đối ngoại, truyền thông. Các giảng viên cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Cơ sở đào tạo cần hỗ trợ để các giảng viên có điều kiện nâng cao trình độ ngoại ngữ như đi học tập trung hoặc thực tập tại các tòa soạn, cơ quan báo chí, truyền thông quốc tế…

Về chương trình và phương thức đào tạo: Tăng cường thời gian thực hành và thực tập cho sinh viên tại các cơ quan báo chí, truyền thông đối ngoại, đổi mới hình thức thực tập, thực hành, thi kiểm tra đánh giá kết quả, thay đổi các hình thức thi tốt nghiệp mang tính đặc thù riêng cho sinh viên chuyên ngành thông tin đối ngoại nói riêng và các ngành đào tạo gần với truyền thông quốc tế nói chung. Tăng cường và mở rộng việc học gắn với hành thông qua việc tổ chức các sản phầm báo chí, nhất là báo chí đối ngoại, như làm các trang báo tiếng Anh hoặc sản phẩm mang tính đối ngoại bằng tiếng Việt. Ngoài tiếng Anh, có thể mở rộng việc đào tạo sinh viên ngành truyền thông quốc tế bằng các ngoại ngữ khác như tiếng Trung Quốc, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha…

Vấn đề phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và cơ quan tiếp nhận: Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông đối ngoại để giúp sinh viên nâng cao kỹ năng thực hành, thực tập nghề nghiệp, gắn lý thuyết với thực tiễn ngay trong quá trình học tập.

3. Vấn đề nâng cao chất lượng tổ chức thực hành, thực tập, thực tế của sinh viên ngành truyền thông quốc tế.

Để làm tốt vấn đề này, cần tập trung hướng tới việc rèn luyện các kỹ năng báo chí, truyền thông quốc tế chủ yếu sau đây:

Thứ nhất là cần thường xuyên sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh) trong việc biên dịch, biên tập các tác phẩm, sản phẩm báo chí đối ngoại. Dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh và các thứ tiếng hoặc ngược lại. Trên cơ sở các môn ngoại ngữ chuyên ngành đã được học trong chương trình và sự chủ động của sinh viên theo chuẩn đầu ra.

Thứ hai là việc sáng tạo các tác phẩm báo chí bằng tiếng Anh, gắn với việc thường xuyên tiếp cận, phỏng vấn người nước ngoài… Công việc trên được tiến hành thường xuyên ở các chương trình phát thanh, truyền hình, báo in, báo mạng điện tử hiện đang làm nhiệm vụ đối ngoại. Sinh viên có thể chủ động sáng tạo tác phẩm độc lập hoặc dưới sự hướng dẫn của các nhà báo giàu kinh nghiệm thực tiễn.

Thứ ba là sử dụng kiến thức về ngoại giao, về đối ngoại trong việc tổ chức các sự kiện truyền thông đối ngoại ngay tại các cơ quan báo chí và ở các cơ quan ngoại giao. Thông qua việc tổ chức các sự kiện, các hoạt động truyền thông quốc tế sinh viên thực hành các kỹ năng truyền thông trong vai trò chủ động của người tổ chức các sự kiện truyền thông.

Như vậy, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho truyền thông quốc tế là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Việc xác định rõ nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho công việc này là một nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho các cơ sở đào tạo.

Do đó, cần xây dựng các khung chương trình đào tạo chuẩn mực cho các chuyên ngành đào tạo truyền thông quốc tế. Kết hợp tốt giữa đào tạo truyền thông quốc tế, truyền thông đối ngoại, thông tin đối ngoại với các chuyên ngành ngoại ngữ. Việc xây dựng nội dung, xác định phương pháp trong giảng dạy, học tập và thực hành là những yếu tố quan trọng nhất nhằm tạo nên chất lượng của nguồn nhân lực cho truyền thông quốc tế trong tương lai. Muốn đạt được hiệu quả của đào tạo như mong muốn thì cần chú trọng đội ngũ giảng viên xây dựng chương trình đào tạo phù hợp đồng thời chú trọng các điều kiện kỹ thuật cần và đủ. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của truyền thông quốc tế trong giai đoạn hiện nay.

Danh mục các tài liệu tham khảo

1. Phạm Minh Sơn: Thông tin đối ngoại Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB. Chính Trị – Hành Chính, 2011.

2. Tạ Ngọc Tấn, (2001) Truyền thông đại chúng, NXB Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *