Đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, ngành báo chí và truyền thông luôn có mối liên hệ mật thiết với đời sống xã hội, văn hóa, chính trị và ngôn ngữ của quốc gia đó, kể cả trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và truyền thông xuyên quốc gia hiện nay, báo chí – truyền thông vẫn duy trì, thậm chí ngày càng được coi trọng hơn. Chính vì vậy, trong các hội thảo về đào tạo báo chí gần đây, các học giả, chuyên gia vẫn quan tâm nhiều hơn đến những thách thức mà sự phát triển kinh tế truyền thông, công nghệ truyền thông tạo ra cho những người làm báo; quan tâm nhiều hơn về lý luận và phương pháp đào tạo báo chí truyền thông đặc biệt là về mục tiêu đào tạo. Tuy nhiên, trong công tác đào tạo báo chí truyền thông hiện đại, vấn đề làm thế nào để đối mặt với những thách thức trước sự tác động của toàn cầu hóa thường ít đề cập hơn.
Đào tạo báo chí – truyền thông: Lựa chọn “quốc tế hóa” trong bản sắc địa phương
Trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa được thúc đẩy mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực như hiện nay, vấn đề liên kết đào tạo quốc tế hay “quốc tế hóa” trong giáo dục đã trở thành nhận thức chung của giới giáo dục toàn cầu. Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) đã đưa “dịch vụ giáo dục” vào phạm vi phục vụ thương mại, do đó, liên kết đào tạo quốc tế cũng trở thành một yêu cầu trực tiếp của WTO. Việt Nam – nước thành viên của WTO đương nhiên cũng tham gia tích cực trong lĩnh vực này và coi việc đẩy nhanh tiến trình liên kết đào tạo với nước ngoài không những là “con đường” ắt phải đi qua nhằm hiện thực hóa công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục đại học của đất nước, mà còn là chiến lược lâu dài và cần thiết để nền giáo dục nói chung, đào tạo báo chí truyền thông của nước ta vượt qua những thách thức từ bên ngoài, tự đề kháng và có thể nâng cao sức cạnh tranh quốc tế, hội nhập một cách đầy đủ và toàn diện trong tất cả các lĩnh vực trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, công tác đào tạo báo chí luôn phải đón nhận mọi cơ hội và những thách thức mới với tầm nhìn toàn cầu và tâm thế mới trong việc hội nhập vào cộng đồng quốc tế.
Nhìn tổng thể, có thể thấy, hiện nay lĩnh vực đào tạo báo chí – truyền thông tại các cơ sở đào tạo báo chí trên cả nước đang ở trong giai đoạn đổi mới quan trọng. Thực tế cho thấy, một số lý thuyết giáo dục và mô hình đào tạo cũ không còn thích hợp với công tác đào tạo báo chí – truyền thông hiện đại. Đứng trước vấn đề làm thế nào để đào tạo ra những người làm báo có thể đáp ứng trước những yêu cầu của thời đại toàn cầu hóa, và làm thế nào để công tác đào tạo báo chí của nước ta bắt nhịp được với xu thế phát triển của thế giới, chúng tôi cho rằng, việc lựa chọn kênh liên kết đào tạo báo chí với nước ngoài ở ngay lãnh thổ nước mình là con đường căn bản để giải quyết vấn đề. Bài viết này sẽ tập trung vào 4 vấn đề chính gồm: nội hàm, mục đích và ý nghĩa, kế hoạch thực thi và những điều cần chú ý trong liên kết đào tạo báo chí với nước ngoài.
1. Nội hàm, mục đích và ý nghĩa của liên kết đào tạo báo chí
1.1. Về nội hàm của liên kết đào tạo với nước ngoài
Liên kết đào tạo báo chí truyền thông với nước ngoài được hiểu là những hoạt động bao gồm đổi mới giáo trình, cải tiến nội dung, trao đổi giảng viên, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tiến hành hợp tác nghiên cứu… giúp bồi dưỡng phát triển các kỹ năng, thái độ và kiến thức cho sinh viên, học viên và giảng viên… Nói cách khác, liên kết đào tạo báo chí với nước ngoài là quá trình lấy việc đào tạo đội ngũ những người làm báo có khả năng cạnh tranh quốc tế làm mục tiêu; tiếp thu những quan niệm giáo dục hiện đại của nước ngoài để áp dụng phương pháp, nội dung giảng dạy báo chí truyền thông tiên tiến tại các cơ sở đào tạo báo chí trong nước.
1.2. Về mục đích và ý nghĩa
Với vai trò là một bộ phận của công tác đào tạo trong trường đại học, mục đích và ý nghĩa của việc liên kết đào tạo báo chí truyền thông quốc tế bao hàm và thống nhất trong mục đích tổng thể của công tác liên kết đào tạo với nước ngoài nói chung trong lĩnh vực giáo dục. Đối với mỗi quốc gia, mục đích của công tác liên kết đào tạo với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục là nâng cao chất lượng giáo dục trong nước, tiếp cận với trình độ cao và hiện đại của thế giới, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo có ý thức toàn cầu, với vốn kiến thức rộng, khả năng thích nghi cao, luôn có tinh thần đổi mới, sáng tạo nhằm thích ứng với với nhu cầu phát triển trên nhiều phương diện của đất nước. Có thể khẳng định, mục đích cuối cùng của công tác liên kết đào tạo với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đại học là thông qua các quốc gia, tiếp thu những thành quả văn hóa tiên tiến của thế giới, để các nền văn hóa được giao lưu và hội nhập, thúc đẩy sự tiến bộ và phát triển chung của nhân loại.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về đạo tạo báo chí thế kỷ XXI tổ chức vào tháng 4-2004 ở Bắc Kinh (Trung Quốc), khi bàn về thực trạng công tác đào tạo báo chí truyền thông ở các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam,…các đại biểu cho rằng, sau khi gia nhập WTO, ngành báo chí truyền thông của các nước châu Á nói chung sẽ phải đối mặt với những cơ hội và thách thức mới. Thực tế cho thấy, hiện nay mặc dù ngành báo chí truyền thông ở nước ta phát triển khá nhanh, song, nếu xét tổng thể mang tính chiến lược, không ít nơi vẫn còn thiếu đội ngũ những người làm báo có trình độ cao, năng động và sáng tạo, đủ điều kiện thích ứng với môi trường báo chí quốc tế. Hiện nay, tiếng nói có tầm ảnh hưởng lớn đối với dư luận quốc tế vẫn do Mỹ đóng vai trò chủ đạo, trong khi đó, tiếng nói của giới báo chí các nước châu Á còn khá yếu ớt, chưa được chủ động trong quyền phát ngôn. Trong thời đại toàn cầu hóa, Việt Nam rất cần đội ngũ người làm báo chí truyền thông đạt trình độ, đẳng cấp quốc tế. Đội ngũ những người làm báo này cần am hiểu và thành thạo ít nhất một ngoại ngữ trở lên, đặc biệt cần có độ nhạy cảm trong quá trình tác nghiệp và khả năng đưa tin cũng như nhận định tình hình một cách nhạy bén, từ đó họ có thể được làm báo trong các cơ quan báo chí hàng đầu thế giới hoặc tại cơ quan ngoại giao và các cơ quan báo chí truyền thông quốc tế…
Có thể thấy, việc liên kết đào tạo báo chí truyền thông với nước ngoài có trình độ cao để đào tạo ra đội ngũ phóng viên thích nghi với thời đại toàn cầu hóa, có thể giúp Việt Nam giành được quyền phát ngôn trên trường quốc tế là mục đích căn bản của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí hiện nay ở nước ta. Bởi vì, một điều dễ hiểu, đó là việc liên kết đào tạo báo chí với nước ngoài sẽ giúp nâng cao trình độ giảng dạy và chất lượng giáo dục, bù đắp những hạn chế về nguồn tài nguyên nhân lực, có thể học hỏi những kinh nghiệm và mô hình giảng dạy của các học viện báo chí nổi tiếng trên thế giới. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng môi trường học thuật mở (open), mở rộng hợp tác, giao lưu quốc tế với các học viện báo chí nổi tiếng trên thế giới, giúp học viên cũng như giảng viên chủ động nắm bắt được những động thái mới nhất, bắt nhịp với sự phát triển và dòng chảy chủ lưu của báo chí thế giới.
2. Để công tác liên kết đào tạo báo chí với nước ngoài đạt hiệu quả
Việc thực hiện mục tiêu liên kết đào tạo báo chí với nước ngoài là quá trình thúc đẩy từng bước có kế hoạch, có trọng điểm, đòi hỏi quá trình xây dựng lộ trình hợp lý. Trong đó, đặc biệt tập trung vào hai vấn đề sau:
Thứ nhất, đổi mới và soạn lại giáo trình bằng cách đưa các nội dung quốc tế vào hoạt động giảng dạy
Những năm qua, hoạt động quốc tế hóa trong giáo dục chủ yếu thể hiện ở sự trao đổi cán bộ, giảng viên cấp quốc gia trên phạm vi rộng, không chuyên sâu. Hiện nay, việc “quốc tế hóa” trong giáo dục dần dần được mở rộng mạnh mẽ. Công tác liên kết đào tạo báo chí với nước ngoài yêu cầu xây dựng hệ thống chương trình giảng dạy hợp lý, đáp ứng với khả năng hội nhập với quốc tế. Có học giả phương Tây đã chia sự phát triển của công tác “quốc tế hóa” giáo dục ra thành 3 giai đoạn: Một là, Học giả giao lưu tự do; Hai là, Cơ quan, trường đại học tổ chức cho cán bộ, giảng viên giao lưu, trao đổi; Ba là, “quốc tế hóa” nội dung và quá trình học thuật thực thụ. “Quốc tế hóa” nội dung và quá trình học thuật chủ yếu được thực hiện thông qua con đường quốc tế hóa chương trình giảng dạy. Do sự khác biệt về thể chế và chế độ, công tác đào tạo báo chí của nước ta mang đặc điểm riêng, tuy nhiên điều này không ảnh hưởng tới việc chúng ta đưa vào các nội dung và phương pháp giảng dạy tiên tiến của nước ngoài. Đặc biệt là trong lĩnh vực giảng dạy nghiệp vụ báo chí truyền thông hiện đại. Chúng ta có thể tiếp thu một cách chủ động và học hỏi mô hình đào tạo nghiệp vụ báo chí mới, để sinh viên có được đầy đủ các tố chất cần thiết của nhà báo trong kỷ nguyên số, nắm bắt được các kỹ năng cơ bản trong quá trình thu thập thông tin, viết tin, bài, xử lý, biên tập, bình luận…trong môi trường truyền thông hội tụ. Ngoài ra, có thể đưa vào một cách có lựa chọn những giáo trình nguyên bản có chất lượng cao, phối hợp với giáo trình trong nước để sử dụng một cách hiệu quả, mở rộng tài liệu đọc và tham khảo cho người học, giúp sinh viên và học viên có thể mở rộng tầm nhìn.
Thứ hai, tăng cường hợp tác và giao lưu quốc tế trong đào tạo báo chí
Hợp tác và giao lưu quốc tế trong hoạt động giáo dục bao gồm 3 phương diện: giao lưu đội ngũ giảng viên, sinh viên; hợp tác học thuật quốc tế và hợp tác giảng dạy giữa các quốc gia. Các cơ sở đào tạo báo chí cần tích cực thúc đẩy giao lưu quốc tế giữa sinh viên và giảng viên. Trong điều kiện cho phép, có thể triển khai các hoạt động sau: Lựa chọn cử giảng viên ra nước ngoài tu nghiệp, giảng dạy, tiến hành hợp tác nghiên cứu, mời chuyên gia báo chí nước ngoài sang Việt Nam giảng dạy, tham gia hội thảo khoa học quốc tế; Có chiến lược định hướng cho sinh viên Việt Nam và sinh viên nước ngoài trao đổi khoa học, triển khai giao lưu hợp tác trong lĩnh vực học thuật xuyên quốc gia. Ngoài chương trình đào tạo, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông nên tổ chức nhiều cuộc hội thảo mang tầm cỡ quốc tế, mặt khác tích cực triển khai hợp tác nghiên cứu các dự án khoa học. Điều quan trọng, ngoài việc duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài, tốt đẹp với cơ quan đào tạo báo chí quốc tế, các cơ sở đào tạo báo chí trong nước cần tăng cường mối liên hệ với các hãng truyền thông nổi tiếng thế giới, mời một số nhà báo “gạo cội” của các cơ quan này sang thăm và trao đổi nghiệp vụ, thông qua các hình thức giảng dạy và trao đổi kinh nghiệm để giới thiệu những động thái và xu hướng phát triển mới nhất của cơ quan báo chí nước ngoài cho giảng viên, sinh viên và các nhà báo trẻ của Việt Nam.
3. Vấn đề đặt ra trong công tác liên kết đào tạo báo chí truyền thông
Trước hết, liên kết đào tạo báo chí với nước ngoài không đồng nghĩa với việc “Âu hóa”và “Mỹ hóa”. Ngành đào tạo báo chí ở Mỹ và châu Âu đứng đầu thế giới, chúng ta phải học hỏi rất nhiều kinh nghiệm trong công tác đào tạo báo chí của họ, tuy nhiên, trong đào tạo nghề, cần phải kết hợp với tình hình của Việt Nam, vừa phải tránh tình trạng bắt chước một cách cứng nhắc, xa rời tình hình thực tế trong nước, đồng thời tránh làm một cách máy móc “Tây hóa hoàn toàn”, bứng trồng một cách trực tiếp lý thuyết đào tạo và mô hình đào tạo của nước khác. Nói cách khác, việc liên kết đào tạo với nước ngoài là xu thế phát triển mà công tác giáo dục trong trường đại học của các nước dựa trên nền tảng trong nước và hướng ra thế giới. Có thể nói, việc “dựa trên nền tảng trong nước” là cơ sở để “quốc tế hóa”, chỉ khi duy trì bản sắc địa phương mới nắm bắt được những cái tinh túy của thế giới. Ngoài ra, “quốc tế hóa” không giống với “toàn cầu hóa” – nhấn mạnh vượt qua ranh giới quốc gia, bài xích sự khác biệt, đề cao tiêu chuẩn thống nhất, nó nhấn mạnh yếu tố xuất phát từ điều kiện và đặc điểm của nước mình, coi chủ quyền quốc gia hoặc sự tồn tại của các nền văn hóa khác nhau làm tiền đề, trên cơ sở thừa nhận sự khác biệt giữa các quốc gia để triển khai. Mặt khác “quốc tế hóa” cần phải dựa trên cơ sở giáo dục “địa phương hóa”. Mục đích cuối cùng của nó không phải là thiết lập mô hình thống nhất trên phạm vi thế giới hay thế giới nhất nguyên hóa, mà là thúc đẩy sự giao lưu hợp tác giữa các quốc gia, cứu cánh đạt đến đích cùng tồn tại hài hòa và cùng phát triển.
Ngoài ra, trong quá trình thúc đẩy chương trình đào tạo báo chí với nước ngoài, cần chú ý đến thuộc tính khoa học xã hội của ngành báo chí truyền thông và tính dị biệt do sự khác nhau về thể chế báo chí trong và ngoài nước tạo nên. Chương trình giảng dạy trong ngành khoa học xã hội cần chia thành hai loại hình là những vấn đề mang tính tư tưởng, chú ý tới hình thái ý thức, và những nội dung hoàn toàn là kỹ năng, nghiệp vụ báo chí. Đối với các môn học về kỹ năng cần thể hiện thái độ tích cực như các nhóm ngành khoa học tự nhiên. Đối với các môn mang tính tư tưởng, giáo dục, cần có sự nhìn nhận khác hơn. Vấn đề “quốc tế hóa” các môn học này chỉ có thể làm phép so sánh, phân tích và phán đoán đối với các môn học khác nhau về hình thái ý thức, không nên “bê” nguyên xi các nội dung của nước ngoài.