18 tuổi học lớp 1
Hầu Thị Mỷ sinh ra trong một gia đình người dân tộc Mông thuộc xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cuộc sống của bà con người Mông ở Sảng Tủng thời bấy giờ nghèo đói, cơ cực. Họ sống như cây rừng, đá núi và hồn nhiên như cỏ cây. Trẻ em chào đời cứ thế, lớn lên, yêu nhau rồi sinh con đẻ cái. Cha mẹ Mỷ cũng thế, họ lấy nhau và có tới 14 người con, Mỷ là con thứ 6 trong gia đình.
Cha mẹ Mỷ làm nương rẫy, lên rừng kiếm củi, xuống suối bắt cá để nuôi anh em Mỷ. Cuộc sống gia đình hết sức chật vật. Hầu Thị Mỷ nhớ lại: ” Ngày ấy, một bữa cơm với rau rừng no là niềm mơ ước cả nhà. Vậy nên cả nhà ai cũng gầy gò, ốm yếu”
Nhà cô Mỷ chỉ có 2 người anh được cắp sách đến trường. Ngày đầu tuần, anh Pứ và anh Co lặn lội từ 4 giờ sáng xuống huyện đi học, cuối tuần lại về nhà. Cũng vì thế, niềm khát khao đến với mảnh đất mới với những con chữ nhảy múa trong đầu Mỷ. Ngỏ lời xin xuống huyện học chữ nhưng ông Sính- cha Mỷ nhất quyết phản đối. Mỷ kể: ” lúc thấy các anh đi về đọc “ê, a” thì thích lắm. Mỷ xin bố nhưng bố cứ nghĩ Mỷ phải lòng anh chàng nào dưới huyện nên mới nhất định đòi xuống chứ con gái Mông 18 tuổi rồi chỉ có yêu đương để lấy chồng, nào có ai đi học”
Không nhận được sự đồng ý cho đi học, Mỷ chui vào góc bếp khóc cả buổi, không chịu đi nương. Bà Lầu Thị Cho- mẹ Mỷ thương con mới khuyên chồng cho con đi học. Năm 1996, lần đầu tiên Mỷ cưỡi ngựa theo cha xuống huyện. òng khấp khởi vui mừng, nhưng Mỷ không thể ngờ rằng, con đường đến với cái chữ lại gian nan đến vậy.
Đầu tuần, 4 giờ sáng Mỷ đi bộ 33 cây số xuống trường huyện học. Hết lội qua suối, vượt đường đèo, lại qua đồi núi, cứ thế xắn quần, chống gậy mà đi. Đường từ Sủng Tảng xuống huyện Đồng Văn thời ấy gian nan, vất vả vô cùng. Có những hôm sương giăng kín lối. Những cơn lạnh buốt vào da thịt. Đến nơi, tay lạnh cứng, Mỷ đốt củi để sưởi. Bàn tay cứ thế huơ quanh đống lửa đến khi mùi móng tay khét lẹt bốc lên mà vẫn không có cảm giác gì, vì lạnh cóng.
Đi học cùng với cô Mỷ còn có 6 người cùng xã, nhưng đều là các em sinh năm 1984- 1985. Vì đường đến trường quá gian nan, các em nhỏ đều bỏ cuộc. Một mình Mỷ lại tiếp tục cuộc hành trình. Nhắc đến những kỷ niệm ngày còn đi học cô Mỷ không giấu nổi xúc động: “Chuyện ngày đi học buồn lắm. Nghĩ đến nước mắt cứ chảy xuống thôi”.
Ở trường, học sinh được phát cơm nhưng “cơm dành cho học sinh cũng không được bảo quản cẩn thận đâu. Có hôm bưng bát cơm lên có cả lông chuột trên đấy. Nhưng vì đói, không có cơm ăn cũng phải chấp nhận ăn thôi”, Mỷ kể. Cuối tuần, Mỷ lại đi bộ về nhà. Cha mẹ Mỷ thương con dúi cho vài ba nghìn nhưng rồi tuần sau Mỷ mang về cho bố vì cũng chẳng biết phải mua gì.
Mỷ là học sinh lớn tuổi nhất trong lớp, khi cô giáo giao Mỷ thực hiện một phép tính 0+0 bằng bao nhiêu, Mỷ không trả lời được. “Tôi cứ lấy các ngón tay ra mân mê suốt, không hiểu gì đâu. Cô giáo nói gì cũng không rõ nữa” Mỷ thật thà kể.
Vì Mỷ lớn tuổi hơn rất nhiều, lại không hiểu tiếng phổ thông nên thường bị các bạn chê cười. Tuy nhiên, Mỷ vẫn kiên gan theo học, bởi lúc ấy mà giận các em kia chắc Mỷ cũng bỏ về Sủng Tảng lấy chồng thôi”.
Hạnh phúc muộn mằn
Năm 2001,Mỷ tốt nghiệp cấp 2 hệ bổ túc văn hóa. Cô khát khao được học nhiều hơn, để có thể giúp những đứa trẻ vùng cao đến lớp. Vì vậy, cô tiếp tục theo học Trung cấp Sự Phạm Mầm Non và đến năm 2005 thì ra trường. Khi ấy, Mỷ đã bước sang tuổi 26, cái tuổi được xem là “quá lứa lỡ thì” của một thiếu nữ Mông. Mẹ Mỷ nhìn đứa con gái ái ngại, sợ con không lấy được chồng. Các anh chị của Mỷ đều thúc giục em gái yêu lấy một người rồi cưới. Mỷ thấy lòng bồn chồn.
Khi dạy học ở Sủng Trái, trong một lần tham gia tập huấn dưới huyện Đồng Văn, Mỷ gặp anh Ly Tề Thần (sinh năm 1975), người dân tộc Pu Péo, giáo viên xã Vần Chải. Được bạn bè động viên, mai mối, hai người đã đến với nhau. Kể lại chuyện tình yêu đôi lứa, đôi gò má Mỷ ửng đỏ như thiếu nữ vừa say rượu ngô. Cả hai đều thành thật, lúc đó không hề có tình yêu với nửa kia của mình, vì đến tuổi nên đến với nhau. Ngồi trong ngôi nhà lát gạch khang trang của vợ chồng Mỷ ở Phố Là, Đồng Văn; anh Thần trầm ngâm nghĩ về những ngày tháng đã qua.
Một buổi lên lớp của cô giáo Hầu Thị Mỷ
Đầu năm 2006, đứa con gái đầu tiên của anh và cô Mỷ ra đời. Tình yêu của hai người nhờ thế cũng được bồi đắp thêm. Khi đứa con gái đầu lòng được 3 tuổi, Mỷ bắt đầu đi học Bổ túc văn hóa để lấy bằng cấp 3. Đó là những ngày tháng vất vả nhất trong cuộc đời của đôi vợ chồng “quá lứa lỡ thì”. Sáng đi học, chiều đi làm. Đường từ Phố Là đến trường dài 36km. 4 giờ sáng, anh Thần dậy đèo vợ đi học, khi có thể nhìn rõ đường Hầu Thị Mỷ xuống xe, đi bộ đến trường. Anh Thần vội vàng lao xe về nấu cho con ăn rồi đi làm.
Nhọc nhằn thức khuya dậy sớm đưa đón vợ đi học nhưng anh Thần không một lời trách móc. Anh quan tâm, chiều chuộng và yêu thương vợ con. Cũng nhờ vậy, cô Mỷ có thêm động lực để học hành.
Sau này,hai người có thêm bé gái xinh xắn, khi Mỷ vẫn chưa hoàn thành xong chương trình học, vẫn sáng đi tối về. Có hôm vợ chồng dậy đi làm, hai đứa nhỏ choàng tỉnh giấc. Thấy bố mẹ đi, chúng chẳng đòi, nhưng nước mắt thì ướt đẫm. Cô Mỷ tâm sự: “có hôm hai vợ chồng đi làm, tận tối muộn mới về, nhìn thấy hai con đã nằm ngủ lăn lóc ở sàn nhà. Thương con lắm, nhưng cũng chẳng biết phải làm sao”.
Anh Thần tâm sự, cũng vì quyết tâm của Mỷ mà hai vợ chồng thương nhau nhiều hơn. Sau này, cố gắng để cho hai đứa nhỏ học được cái chữ mà không phải khổ như bố mẹ chúng ngày xưa.
Lớp học của cô giáo người Mông
Lớp học của cô Hầu Thị Mỷ ở điểm trường Sáng Ngài có 15 em học sinh. Các em đều là người dân tộc Mông. Cô Mỷ cho biết: “Các con ở cách trường học tầm 3-5km thôi, nhưng đa phần các hộ gia đình đều khó khăn nên nhìn các con thương lắm”
Cô giáo Hầu Thị Mỷ và các em học sinh mầm non
Vì là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, lại từng trải qua biết bao gian nan đến lớp, cô giáo Mỷ hiểu và thông cảm hơn ai hết đối với những đứa trẻ nghèo nơi quê hương cô. Nhìn những đứa trẻ ngây ngô, mặt mũi lem nhem đang được cô Mỷ chỉ dạy cho từng chữ mới hiểu hết tấm lòng của cô đối với chúng. Với những đứa trẻ vùng cao này, trường Mầm non không chỉ là nơi để học chữ mà còn là nơi được ăn no và được yêu thương.
Giàng Thị Vừ là em học sinh được cô Mỷ đặc biệt quan tâm. Em Vừ năm nay 6 tuổi, cùng chị hơn một tuổi là Si đều học mầm non tại điểm trường Sáng Ngài. Mẹ Vừ mất khi cô bé vừa mới lọt lòng, cha em làm thuê ở bên Trung Quốc rồi ở bên đấy luôn không về. Hai đứa nhỏ khát sữa mẹ từ bé, thiếu thốn tình thương mẫu tử khi sống cùng chú thím. Đã thế, chị em Vừ suốt ngày phải chịu đói, chịu đòn. Có hôm em đến lớp mà chân tay sưng tím vì bị đánh, môi thâm lại vì đói và lạnh. Cô giáo Mỷ bế Vừ sang trạm y tế bôi thuốc cho em. Chính cô Mỷ cũng làm đơn xin cho Vừ được hưởng chế độ ăn tại trường. Nhờ vậy mà em Vừ chăm đến lớp hơn và học ngày càng khá hơn.
Không chỉ thương yêu học trò, cô Mỷ còn là một giáo viên dạy tốt của trường. Cô được bạn bè đồng nghiệp yêu thương quý mến. Cô Đặng Hồng Nguyễn (1991) giáo viên dạy cùng lớp với cô Mỷ cho biết: ” Chị Mỷ là một cô giáo hiền, chị ấy hiểu tiếng địa phương nên thường là người chỉ dạy cho các giáo viên ở dưới xuôi học tiếng Mông để dễ dàng hơn trong việc giao tiếp với các em học sinh”
Hè sắp sang nhưng trên vùng cao Đồng Văn, cái giá lạnh của núi rừng vẫn không thôi thách thức cô trò nơi đây. Tuy nhiên, với nghị lực và bản lĩnh của mình, những người gieo chữ nơi vùng cao tin tưởng họ sẽ tiếp tục đạt được những thành công, dù là rất nhỏ.