Ghé thăm gia đình nghệ nhân Nguyễn Thanh Sứ tại xóm Thế Hiển, thôn Canh Hoạch, không khó để bắt gặp hình ảnh anh Sứ cùng vợ con của mình quây quần bên các công cụ làm lồng chim, tỉ mỉ vót từng nan tre, hay chạm đường viền cho các vanh lồng. 

Gia đình nghệ nhân Nguyễn Thanh Sứ tỉ mỉ làm lồng chim
 
“Bây giờ cũng bán kém hơn mấy năm trước rồi, từ mấy tháng trở lại đây thì sức mua của người chơi chim giảm. Làm một cái lồng từ đầu đến đuôi cũng mệt lắm, bởi làm lồng cũng như xây nhà, nền móng ban đầu phải chắc chắn. Khi làm phải đặt hết tâm huyết vào nếu không sẽ sai sót và sản phẩm ra không đẹp.”- Anh Sứ cho biết.
 
Làm lồng chim yêu cầu sự cẩn thận, khéo léo trong hầu hết các công đoạn như: vót nan, cắm công, cắm cữ, làm vanh, làm lưng, ghép đáy lồng… Để làm ra một sản phẩm “đẹp, bền, sang”, người thợ làng Vác phải kỳ công từ khâu chọn nguyên liệu. Hầu hết là tre rừng mua về từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Cao Bằng. Theo anh Sứ, nếu chọn được nguyên liệu chuẩn thì lồng có thể dùng được năm bảy chục năm, còn không thì 3-5 năm là hỏng.

 
Anh Nguyễn Thanh Sứ kiểm tra lại từng công đoạn
 
Những nghệ nhân như anh Sứ phải hiểu rõ về hình dáng và tập tính sinh hoạt của từng loài chim để làm nên những chiếc lồng phù hợp cả về hình dáng lẫn kích thước. Chim khuyên, chim yến, chim chào mào… mỗi loại lại có một kiểu lồng riêng. “Nhất dáng nhì da, dáng lồng chuẩn thì mới đến da lồng”- anh Sứ luôn dạy các con mình như vậy.
 
Đặc điểm để phân biệt lồng chim Làng Vác với các làng nghề khác đó là hầu như mọi công đoạn đều được thực hiện thủ công, không qua máy móc, nên sản phẩm làm ra có sự tỉ mỉ và trau chuốt. “Các đường nét cắt tỉa không nơi nào làm khéo như làng Vác”- chị Mai Thị Lan, vợ anh Sứ cho biết.
 
Chị Mai Thị Lan cũng tâm sự: “Lồng chim làng Vác từ xưa đến nay đã là nghề cha truyền con nối. Chị chỉ biết làm nghề này và yêu nghề này. Mong nghề này phát triển để kinh tế gia đình đầy đủ. Nhà cửa khang trang cũng là nhờ nghề này”.
 

Chị Mai Thị Loan khoan vanh lồng để kịp hoàn thiện sản phẩm
 
Tuy nhiên, làm lồng chim không khó ở công đoạn vót nan, mà khó ở việc chạm đường viền cho các vanh lồng, hay khắc tranh vẽ lên chân lồng. Đáp ứng sở thích của mỗi người chơi chim, người thợ làng Vác đã chạm khắc nên những chiếc vanh lồng, chân lồng đẹp như tranh vẽ chỉ bằng một lưỡi dao rất nhỏ và đôi tay tài hoa của mình.
 
Một chiếc lồng đẹp thì phần chạm khắc rất quan trọng, bởi nó đòi hỏi các họa tiết cầu kỳ, chính xác. Tam Quốc, Thủy Hử, Bát tiên… là những bức tranh được ưa chuộng nhất. Sau đó đến tùng cúc trúc mai, long ly quy phượng, vinh quy bái tổ…

Bộ ba chân lồng vinh quy bái tổ
 
Anh Nguyễn Văn Thản, chủ Cửa hàng giới thiệu sản phầm lồng chim cao cấp Thản Ánh cho biết: “ Họa tiết càng tinh xảo, cầu kỳ bao nhiêu thì càng mất nhiều thời gian. Nên làm công đoạn này cần năng khiếu, hoa tay, nhưng cần nhất là cái tâm, phải có tâm mới theo được nghề. Nếu có lòng, có tâm, đặt tình cảm vào đó thì sản phẩm sẽ càng đẹp hơn và tốn ít thời gian hơn”.

 

Anh Nguyễn Văn Thản (ngoài cùng bên trái) dạy học trò chạm khắc chân lồng
 
Đến với làng Vác, người ta không chỉ ngạc nhiên trước sự phát triển của một làng nghề truyền thống trong thời buổi suy thoái kinh tế, mà còn bất ngờ trước tâm huyết, tấm lòng của những người thợ làng Vác đặt vào mỗi chiếc lồng chim, để ai ai cũng biết tới lồng chim làng Vác và nhớ tới câu ca dao:
 
Ai về làng Vác nhắn nhờ 
Mua lồng Canh Hoạch, đồ thờ Võ Lăng…

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *