Làng nghề Kiêu Kỵ khi xưa thuộc đất Đông Ngàn, Kinh Bắc, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Người khơi nguồn sáng tạo và truyền nghề là ông tổ, danh nhân Nguyễn Quý Trị.

Nghề làm vàng quỳ và bạc quỳ trải qua rất nhiều công đoạn tinh xảo và tỉ mỉ, dày công, tốn sức. Chính vì vậy đòi hỏi người làm ra nó phải hết sức cẩn thận, cần mẫn, kiên trì với nhiều thao tác kĩ thuật cao.

Nhọc nhằn với nghề

Ông Lê Văn Vòng (57 tuổi) là đời thứ 9 trong một gia đình có truyền thống làm quỳ vàng, đồng thời cũng là một trong những nghệ nhân lão làng còn giữ được bí quyết tinh xảo trong nghề. Ông chia sẻ: “Để làm ra được một tấm quỳ thì phải trải qua ít nhất 40 công đoạn, nghề này đòi hỏi rất tỉ mỉ, dày công và tốn sức”.

Quả thật có đi ta mới thấy hết được cái khó và cái khổ người làm nghề này. Theo nghệ nhân Lê Văn Vòng thì giai đoạn đập quỳ được coi là nặng nhất và quan trọng nhất trong tất cả các khâu. Bởi có đập quỳ được đều tay, không bị gián đoạn thì quỳ mới được mỏng và bóng hơn. 

Người ta dùng một loại giấy, gọi là giấy “gió” được nhập từ Phú Thọ, đem cắt thành ô vuông rộng khoảng 5cm để làm giấy quỳ, xếp thành 1 sấp gồm 15 lá, dày khoảng 2cm. Mỗi một sấp giấy trên được tách thành từng lá mỏng và giã qua một lần cho thật phẳng rồi được quét lên một loại mực chế từ hỗn hợp keo da trâu, nhựa thông, hồ và mùn cưa. Sau khi lá quỳ được quết mực xong thì được xếp gọn trên chiếc lá vả để phơi khô và đảm bảo độ láng mịn. 

Cụ Nguyễn Thị Hiền, 70 tuổi, người làng Chương Dương – Kiêu Kỵ – Gia Lâm –  Hà Nội, từng có thâm niên gần 20 năm đảm nhiệm công đoạn quết mực cho lá quỳ

 
Công đoạn tiếp theo là nấu vàng và đổ vàng đã tan chảy vào khuôn tráng thành từng miếng mỏng. Người ta cắt lá vàng thành những ô vuông khoảng 2cm rồi kẹp vào giữa 2 lá quỳ đã được khô mực, sau đó dùng một tấm vải màu đen để gói chặt, tránh để bị xê dịch vị trí của miếng vàng và miếng giấy quỳ. Đặt bọc đó lên một hòn đá tảng to, nhẵn nhụi và bằng phẳng rồi dùng búa giã liên hồi. 

Anh Lê Trung Hiếu, một người thợ trẻ  ở thôn Kiêu Kị – Kiêu Kị – Gia Lâm, đang giã liên hồi bọc vàng quỳ

Trung bình để giã xong 1 sấp quỳ thì mất khoảng 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi, công đoạn này đòi hỏi người nghệ nhân và người thợ phải hết sức kiên nhẫn, và giã liên tục đều tay để cho lá vàng được dát mỏng. Nếu giã không đều tay thì lá quỳ sẽ không đảm bảo được độ bóng mịn, rất dễ hỏng giấy quỳ mà miếng vàng vẫn không được mỏng. Sau khi giã xong thì gỡ những lá vàng tách khỏi lá quỳ và đem cắt ra được khoảng từ 9 đến 12 miếng vuông nhỏ, có cạnh gần bằng 1cm.

Tiếp đến là công đoạn long quỳ. Công đoạn này cũng rất quan trọng, những lá vàng được cắt mỏng lại được xếp xen kẽ các lá quỳ. Theo ông Vòng cho biết : một long quỳ có từ 400 đến 500 lá. Dùng thanh tôn thật mỏng mài thành hình như chiếc phi tiêu hoặc mũi lao để thuận lợi cho việc gắp lá vàng hơn, chính xác hơn. Sau đó sẽ dựng vào lồng tiếp tục giã cho thật mỏng. Tương tự với làm bạc quỳ cũng vậy.

Công đoạn cuối cùng còn được gọi là “trại quỳ” tức là là xếp những lá vàng đã được quỳ mỏng thành từng sấp, mỗi sấp quỳ vàng gồm có 10 bọc giấy, mỗi bọc có 40 – 50 tờ. Khi xếp phải thật cẩn thận sao cho chúng không bị rách hay dính vào tay.

Ngày trước, vào mùa hè, khi chưa có điều kiện dùng điều hòa thì cứ đến giai đoạn trại quỳ đều phải mắc màn để tránh gió. Bởi những chiếc lá vàng, bạc này mỏng đến mức chỉ cần một hơi thở nhẹ cũng có thể thổi bay.

Giữ vững cái tâm và cái tầm trong nghề 

Cơ chế thị trường ngày càng phát triển, nhu cầu của xã hội nhất là khách du lịch và các công ty chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ, kỹ nghệ cũng tăng theo. Làng nghề Kiêu Kỵ cũng chú trọng làm ra những loại quỳ khác nhau như quỳ tân, quỳ thiếc, quỳ bạc, tuy nhiên phát triển nhất vẫn là quỳ vàng.

Ông Lê Văn Chung – Chủ nhiệm Hợp tác xã làng nghề quỳ vàng, bạc cho biết : “Trước cách mạng tháng Tám, nghề làm vàng quỳ rất phát triển, những sản phẩm do làng Kiêu Kỵ làm ra thì chủ yếu dùng để dát ngai vàng, kiệu, các tượng phật, câu đối trong triều đình…Trong kháng chiến làng nghề dường như bị mai một, cho đến khi đất nước hòa bình đến nay thì làng nghề đã trỗi dậy khôi phục và phát triển ”.

Hiện trong thôn Kiêu Kỵ vẫn còn tồn tại hơn 100 hộ gia đình đi theo nghề truyền thống này. Chị Nguyễn Thị Yên (40 tuổi) cho biết: trung bình mỗi ngày cả vợ chồng làm được từ 10 đến 15 sấp quỳ, thu về cho gia đình anh chị khoảng 300.000 đồng đến 400.000 đồng. Sản phẩm làm ra có thể đem bán ở Hạ Thái hoặc bến xe bus Đông Mỹ. Các công ty chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ có nhu cầu thì thường đến tại nhà để đặt hàng.

Nghề làm vàng quỳ, bạc quỳ đã giải quyết được trên 200 lao động cho thôn và ngoài thôn, góp phần tăng thêm thu nhập cho bà con trong nghề chính và thời điểm nông nhàn.

Ông Vòng cho biết: có thời kì nhu cầu của thị trường cao, các cơ sở sản xuất hộ gia đình từng thuê 25 đến 30 nhân công lao động để sản xuất. Sau này, do một số nguyên nhân về đầu ra, công việc vất vả mà đồng lương thu lại thấp, nhiều hộ đã không sống được bằng nghề và chuyển sang làm nghề kinh doanh, làm đồ da và giả da… Hiện nay, số nghệ nhân lành nghề trong làng chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong làng xuất hiện thêm một số hộ gia đình sản xuất tư nhân và thuê nhân công từ nơi khác đến. Thậm chí một số cơ sở sản xuất còn nhập lậu sản phẩm từ Trung Quốc về trà trộn vào hàng của làng nghề. Họ gia công bằng cách pha trộn từ nhiều tạp chất khác nhau nên chất lượng không hề được đảm bảo.

Cũng chính từ nguyên nhân chạy theo lợi nhuận trên bất chấp ảnh hưởng và thương hiệu của làng cũng một phần gây ảnh không nhỏ đến một bộ phận lành nghề trong làng đồng thời làm giảm sút niềm tin đối với những công ty nhập khẩu trong nước và ngoài nước.

Mong ước của nghệ nhân lão làng Lê Văn Vòng là “làm nghề nào cũng vậy, cần phải có cái tâm sáng, tôi chỉ ước làng nghề truyền thống này ngày càng được mở rộng, có thể lập ra xưởng quỳ vàng, bạc để truyền nghề cho các thế hệ mai sau”.

Đối với ông Vòng, hàng sáng khi tỉnh dậy, được nghe những âm thanh chan chát giã quỳ vàng liên hồi chính là niềm hạnh phúc trong bao nhiêu năm gìn giữ và phát huy truyền thống của làng nghề.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *