Giây phút chị Thanh nhận lại con từ ông Nguyễn Văn Lưu – PGĐ Trung tâm Bảo trợ số 1. Ảnh: P.B.

Đời lang bạt của người mẹ

Hỏi đường về thôn Từ Phong, xã Cách Bi (huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), nơi chị Nguyễn Thị Thanh, người mẹ bỏ con ở bến xe Giáp Bát ai cũng chỉ nhiệt tình. Mỗi quán nước, khu chợ người ta đều bàn tán xôn xao về hành động của người mẹ trẻ. Nhưng, có về ngôi làng nơi chị đang tá túc trong nhà của ông cậu ruột, mới thấu hiểu được nỗi niềm, cuộc đời đầy nước mắt của chị.

Sau những giây phút xúc động, chị Thanh mới kể về cuộc đời mình và nguyên nhân bỏ lại đứa con xinh xắn, đáng yêu ở bến xe Giáp Bát (Hà Nội). Chị bảo, do cuộc sống quá cơ cực, năm 1987 cả gia đình chuyển vào trong Nam lập nghiệp. Khi ấy, chị chỉ mới 2 tuổi. Đông con, đất đai không có, bố mẹ chị suốt ngày đi làm thuê, làm mướn để có tiền trang trải cơm áo, nuôi chị ăn học. Khó khăn càng nối tiếp khó khăn, khi bố chị mất vào năm 1995, bỏ lại hai mẹ con không nơi nương tựa. Bố mất, mẹ làm thuê vất vả mà không đủ sống nên khi học hết lớp 6, chị đành phải bỏ học đi kiếm tiền phụ mẹ. Nhưng chuỗi tháng ngày bất hạnh của chị không chỉ dừng lại ở đó vì chẳng lâu sau, người mẹ cũng bị mù lòa.

Cuộc sống, gánh nặng gia đình dồn cả vào đôi vai gầy của chị. Nhìn đứa cháu khóc mà không nói nên lời, ông Nguyễn Kim Đáng (cậu ruột của chị Thanh) đỡ lời: “Vài năm sau đó mẹ cháu cũng bỏ con mà đi. Mẹ mất, chú bác, anh chị ở xa mỗi người một ngả, gia đình cũng chẳng khấm khá gì hơn, nên cũng chẳng giúp được gì. Để có tiền, Thanh đã phải mưu sinh đủ nghề, từ làm may, mò cua, bắt ốc”…

Rồi tưởng như cuộc đời nay đây, mai đó sẽ tìm được chốn bình yên khi Thanh gặp mối tình đầu của chị. Hai người cùng cảnh ngộ, gặp nhau rồi nảy sinh tình cảm yêu thương. “Hồi đấy, tôi còn ít tuổi chưa suy nghĩ được nhiều. Khi biết tôi có thai 2 tháng, cũng là lúc mối tình đầu tan vỡ. Không còn nơi nào để đi, tôi đành về nhà người anh nương nhờ lúc bụng mang dạ chửa. Sau khi sinh con, tôi đến gặp anh, bế theo đứa bé bảo con anh nhưng anh không tin và chối bỏ. Tôi cũng không nài nỉ mà đành chấp nhận số phận”, chị Thanh chia sẻ.

Rồi cuộc đời run rủi cho Thanh lại gặp người đàn ông thứ 2. Khi ấy, cuộc sống tuy nghèo khổ nhưng rất vui và hạnh phúc. Thanh tưởng số phận đã thay đổi khi mẹ chồng rất hiền lành và yêu thương. Tuy nhiên, thời gian hạnh phúc chẳng được bao lâu khi bé Hải (em bé bị bỏ rơi ở bến xe) ra đời, cũng là lúc người chồng trở nên lạnh nhạt, rồi bố chồng luôn mắng mỏ… “Quá đau đớn, tủi cực mình đành mang 2 đứa con bỏ nhà ra đi, khi ấy cháu Hải mới hơn 3 tháng. Mình không biết anh ấy có đi tìm vợ và con không, nhưng từ khi mình đi đến giờ chưa bao giờ liên lạc lại cả”, chị Thanh buồn bã nói.

Để có tiền chăm lo cuộc sống, từng có lúc chị phải mang cả con mình đi ăn xin. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị quyết định trở về quê hương (Quế Võ, Bắc Ninh) kiếm kế sinh nhai. Đó chính là chuyến xe mà chị đã bồng bột, thiếu suy nghĩ khi vứt đứa con tròn tuổi ở bến xe Giáp Bát.

Vài lần tính chuyện bỏ con

Nói về nguyên nhân bỏ đứa bé, chị Thanh kể lại: Khoảng trưa ngày 13/9, khi về đến bến xe Giáp Bát, đôi lần chị đã muốn để lại một đứa con cho người khác nuôi, nhưng tình mẫu tử dày vò chị. Tuy nhiên khi thấy một thanh niên (Nguyễn Đức Dũng, 23 tuổi – PV) có vẻ yêu quý trẻ con, trong lòng chị suy nghĩ bỏ con cho người khác nuôi lại trỗi dậy. “Lúc đó mình nghĩ quẩn. Mình chỉ nghĩ rằng bỏ con lại sẽ có người tốt nhận cháu về nuôi. Nhưng sau khi để lại con cho người lạ, đi được một đoạn thì mình hối hận, dằn vặt không chịu được đành quay lại tìm con nhưng không thấy đâu nữa”, chị Thanh nói.

Bà Nguyễn Thị Nghiệp (mợ của chị Thanh) bảo: “Tìm không được con thì Thanh về nhà. Lúc ban đầu, cháu nó không dám thú nhận đã bỏ đứa con ở bến xe. Nhưng khi gia đình gặng hỏi thì cháu khóc và kể lại mọi chuyện”. Ông Đáng cho biết thêm, sau khi biết cháu Hải đang lưu lạc, cả gia đình đã cùng nhau đi tìm. Đến ngày thứ 3 thì thấy thông tin đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi ở bến xe đăng tải trên báo mạng. Cả nhà rất vui mừng. Ngày 16/9 ông Đáng đã thuê hẳn một chuyến xe lên Trung tâm Bảo trợ số 1 (Đông Anh, Hà Nội) để đón cháu về.

Ông Đáng cho biết, ngay sau khi về nhà, gia đình lên xã khai sinh cho cháu Hải. “Mình biết việc làm đó khiến nhiều người lên án lắm. Bây giờ được nằm bên con cảm thấy ấm áp và rất hạnh phúc. Người ta trách mình vô tâm khi nhẫn tâm bỏ đứa con sinh ra cũng đúng thôi. Tôi không trách cứ gì dư luận cả. Nếu được quay lại mình sẽ không bao giờ hành động như vậy!”, người mẹ trẻ hối hận lí nhí.

Rồi chị tiếp câu chuyện về cuộc đời mình: “Trước giờ phiêu bạt nay đây, mai đó, người ta mướn gì mình cũng làm. Con còn nhỏ nên có thời gian không tìm được việc làm. Với lại chẳng quen biết ai, nên cũng chẳng biết gửi cháu vào đâu để đi kiếm tiền”. Còn bây giờ, người mẹ trẻ lạc quan khi xác định phải ổn định cuộc sống, ổn định tư tưởng, tìm kiếm công việc nào đó ở quanh đây để có thu nhập nuôi hai đứa nhỏ. “Mình sẽ cố gắng làm sao cho hai con được ăn học tử tế”, Thanh nói.

Đêm muộn, trong ánh đèn héo hắt, nhìn người mẹ trẻ chăm sóc hai đứa con với khuôn mặt hồn nhiên đang ngon giấc, chỉ mong sao cho tương lai ba mẹ con chị sẽ bớt những khó khăn, tìm được những màu hồng trong cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *